Có hình dạng giống như con giun đất, sá sùng khiến nhiều người mới nhìn phải e sợ. Tuy có vẻ ngoài kỳ dị nhưng sá sùng là hải sản cực kỳ quý hiếm, từng là sản vật tiến vua. Một cân sá sùng khô giá tới 7 triệu đồng vẫn được nhiều người săn đón.
Những năm gần đây, do tình trạng đánh bắt quá mức và môi trường sống bị suy thoái, lượng sá sùng bị suy giảm mạnh. Vì thế, sá sùng được rao bán với giá khá đắt đỏ. Đây được coi là loại có giá khá cao so với mặt bằng chung của các loại hải sản.
Một cân sá sùng tươi lên tới 300-650 nghìn đồng. Sá sùng khô hiện có giá 4-7 triệu đồng/kg, tuỳ loại.
Tuy giá cao, sá sùng vẫn được nhiều thực khách săn đón, tìm mua về thưởng thức. Đây là loài vật “nổi danh” trong danh sách ẩm thực ở các vùng của Việt Nam và Trung Quốc.
Ở Việt Nam, sá sùng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, tùy vùng miền: như trùn biển, sâm đất, đồn đột, địa sâm, giun biển, sâu đất,…
Sá sùng được tìm thấy ở nhiều vùng biển của Việt Nam như Cam Ranh (Khánh Hòa), Cần Giờ (TP.HCM). Nhưng nhiều nhất vẫn là ở khu vực Vân Đồn, Móng Cái (Quảng Ninh). Đây cũng là vùng có đặc sản sá sùng ngon nhất cả nước.
Loại hải sản này thuộc động vật thân mềm, không xương. Sá sùng chỉ sống ở những bãi cát ven biển, nơi thủy triều lên xuống. Con vật này thường ẩn náu dưới các khe cát, hang đá ở các vùng biển, có khi ở đáy biển sâu đến 30m.
Hình dạng của loại hải sản này giống con giun đất, màu nâu đỏ. Trên mình sá sùng có những sợi vân nhỏ li ti dọc theo chiều dài giống như gân nhưng kích thước lớn hơn, màu sáng hơn. Ruột của nó là một đường ống trải dọc từ đầu tới cuối thân và chứa cát.
Một con sá sùng tươi dài từ 7-15cm, thân mình dày. Khi khô lại, thân sá sùng chỉ còn dài khoảng 6-10cm.
Sá sùng chỉ có thể thu hoạch được khi mực nước biển xuống thấp. Thời điểm thích hợp nhất để đánh bắt rơi vào khoảng tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, vì đây là khoảng thời gian chúng phát triển và có giá thành cao.
Để thu hoạch được sản vật này, những người có kinh nghiệm phải dùng dụng cụ chuyên dụng. Ngư dân địa phương thường canh lúc sáng sớm, khoảng thời gian thủy triều vừa rút, làm lộ ra các vết tích mà chúng để lại vào đêm hôm trước trong lúc đi kiếm ăn còn sót lại.
Sau khi bắt, sá sùng tươi phải được làm sạch bằng cách lộn ngược để tẩy rửa bùn đất, các cơ quan nội tạng rồi cắt hai đầu, rửa sạch, mang đi cấp đông để ăn tươi hoặc sấy khô để bảo quản được lâu hơn.
Sá sùng khô lại dễ bảo quản và để được lâu, có thể vận chuyển tới nhiều tỉnh, thành xa, phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản của thực khách.
Dù có hình dáng kỳ lạ nhưng sá sùng là một trong những hải sản cực kỳ quý hiếm. Tương truyền, từ xa xưa, sá sùng đã được sử dụng làm cống vật tiến vua hoặc những người có chức sắc.
Loại hải sản này chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Sá sùng có thể làm được rất nhiều món như xào, nướng, nấu cháo, tẩm bột chiên giòn… Đặc biệt, nó còn là nguyên liệu để ninh nước dùng phở, tạo nên độ ngọt tự nhiên cho món ăn nổi tiếng này.
Đây cũng được xem là một loại thuốc quý trong Đông y giúp thanh mát cơ thể, bồi bổ sức khỏe.
Theo nhiều nghiên cứu y học hiện đại, sá sùng có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý về hô hấp, xương khớp…
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)