Món bánh mì chỉ dài chừng một gang, nhân “nghèo nàn” lại là món ăn khiến vị du khách tới từ Mỹ gật gù tâm đắc.
Chad Kubanoff là một đầu bếp chuyên nghiệp người Mỹ, hiện sinh sống và làm việc tại TPHCM đã nhiều năm. Trên kênh YouTuber có hàng trăm nghìn lượt theo dõi, Chad thường xuyên chia sẻ các video về trải nghiệm văn hóa, ẩm thực tại Việt Nam, giới thiệu loạt món ngon mà anh có cơ hội thưởng thức trên khắp mảnh đất hình chữ S.
Mới đây, trong chuyến đi trải nghiệm như mọi lần, Chad quyết định thực hiện một thử thách nhỏ, đó là nếm thử tất cả các loại bánh mì ở Việt Nam và tìm ra đâu là loại bánh ngon nhất. Bảng xếp hạng của Chad gồm 6 mức: S, A, B, C, D, F. Trong đó mức S (tạm dịch: Special, Super) đứng ở vị trí cao nhất.
Bánh mì vốn được xem là món ăn quốc dân của Việt Nam, có hàng trăm loại nhân khác nhau với đủ loại hình dạng và kích cỡ. Để hoàn thành thử thách, Chad dành hẳn 1 ngày, lặn lội tìm đến những cửa hàng nổi tiếng nhất với sự giới thiệu của những người bạn Việt.
Đầu bếp Mỹ đã thưởng thức hơn chục loại, từ bánh mì bò kho, bánh mì kem trứng, bánh mì chả cá, bánh mì sườn nướng, bánh mì bò lá lốt… Đa số bánh mì đều biến tấu thêm đủ thứ cầu kỳ, với nước sốt, rau dưa ăn kèm rất đặc trưng. Song món ăn khiến Chad ấn tượng nhất phải kể đến bánh mì que – một đặc sản rất đỗi bình dị tới từ “đất cảng” Hải Phòng. Tìm đến một cửa hàng bánh mì que nằm trên phường Nguyễn Cư Trinh (Q1, TP.HCM), Chad tỏ vẻ thích thú khi nghe Layla – người bạn Việt giới thiệu về thức quà ăn vặt bình dân.
Điều khiến đầu bếp Mỹ sửng sốt là mức giá vô cùng rẻ, chỉ từ 5000 – 7000 VNĐ/chiếc bánh. Thế nhưng hương vị khi đưa vào miệng lại không gì có thể diễn tả.
“Món này hơi béo và đậm đà, hơi dầu mỡ một chút vì có pate và chí chương bên trong. Nhưng khi hoà quyện vào lại đem đến hương vị rất cuốn. Tôi rất thích món ăn này”, Chad nhận xét.
Layla – cô gái Việt đi cùng Chad cũng đồng ý với quan điểm này. Cô cho rằng món bánh mì xứng đáng “đứng đầu bảng xếp hạng” bởi ăn rất đưa miệng, rất dễ ăn.
Chad cũng lập tức tán thành: “Tôi cũng đồng ý, tôi nghĩ bánh mì que đứng đầu bảng, trông rất đơn giản, dễ thương, nhỏ gọn, cực kỳ giòn, phù hợp cho tất cả mọi người. Trẻ em cũng có thể ăn mà không cần nước sốt cay”.
Bánh mì que hay còn được gọi là bánh mì cay. Cũng bởi hình dáng đặc biệt, chỉ dài chừng hơn một gang tay nên người ta cũng quen miệng gọi là bánh mì que.
Linh hồn của bánh mì que đến từ pate – thứ nhân “nghèo nàn”, phủ khắp phần trong mặt bánh. Bánh mì cay Hải Phòng chỉ sử dụng loại nguyên liệu duy nhất là pate. Ngoài ra, thứ quyết định, tạo nên tên gọi của món ăn lại chính là thành phần gây “cay”, một loại tương ớt đặc biệt của người Hải Phòng mang tên chí chương.
Chí chương là tên gọi bắt nguồn từ tiếng của người gốc Hoa sinh sống lâu năm tại Hải Phòng. Chí chương được làm từ ớt, cà chua tươi bỏ hạt, tỏi băm nhuyễn, nêm thêm chút muối và trải qua quá trình lên men theo công thức gia truyền. Chí chương thơm ngon phải cay nồng và màu đỏ tươi bắt mắt.
Có thể thấy, dù là thức quà giản dị, nhưng người ta vẫn phải công nhận rằng, chiếc bánh mì que khiến người Hải Phòng tự hào quá đỗi.
Theo Hải My (Nguoiduatin.vn)