Chợ nổi Tân Phong sau khi phục dựng được kỳ vọng là giải pháp giúp “chợ nổi không chìm”, góp phần phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy du lịch bền vững, mang lại thu nhập cho người dân.
Chợ nổi Tân Phong được phục dựng tại đoạn đầu sông Đồn (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Đây là điểm đến hấp dẫn trong tour khám phá sông Mê Kông với các hoạt động tham quan miệt vườn sông nước bằng tàu du lịch, đò chèo, thưởng thức trái cây tại vườn, tìm hiểu các nghề truyền thống của người dân cù lao Tân Phong.
Trước khi xuống thuyền khám phá chợ nổi, du khách được thưởng thức trái cây vùng miền và nghe hát đờn ca tài tử dưới những chòi mái lá.
Bắt đầu được triển khai từ cuối năm 2023, nay đã có hơn 20 ghe thuyền hoạt động, buôn bán các mặt hàng nông sản phục vụ du khách. Dự kiến cuối năm nay, số lượng ghe thuyền sẽ tăng lên 80 chiếc.
Chợ nổi được xem là nét đẹp độc đáo chỉ có ở khu vực Tây Nam Bộ.
Đây là mô hình nhóm họp mua bán trên sông của cư dân bằng các loại phương tiện ghe, xuồng với hàng hóa rất đa dạng, bao gồm các mặt hàng ăn uống, các loại rau, củ, trái cây, thủy sản, đặc sản của mỗi địa phương… Trên thuyền, du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn dân dã, được chế biến tại chỗ như bánh chuối, bún…
Hình ảnh những người phụ nữ phương Nam với tà áo bà ba ghi điểm trong lòng du khách. Dì Hai (74 tuổi) vừa tay chèo vừa trò chuyện vui vẻ với du khách trên chuyến hành trình khám phá chợ nổi.
Những con thuyền dập dìu giữa sông nước, rẽ mái chèo qua những đám lục bình xanh tươi tốt hài hoà như một bức tranh cuộc sống sinh động.
Nhiều du khách nước ngoài chọn đi chợ nổi vì chỉ có vậy mới khám phá hết những nét văn hóa đặc trưng của miền Tây sông nước và tìm hiểu về nét sinh hoạt, đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội của người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc phục dựng chợ nổi Tân Phong được kỳ vọng là giải pháp giúp “chợ nổi không chìm”. Qua đó góp phần phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy du lịch bền vững, mang lại thu nhập cho nhiều người dân.
Theo Nguyễn Huế – Xuân Minh – Linh Trang (VietNamNet)