Mượn ánh nắng tô điểm cho nhà, lấy gió trời thổi hồn cuộc sống’ là quan điểm thiết kế xuyên suốt ngôi nhà 3 tầng, mặt bằng 100 m2 ở Nha Trang (Khánh Hòa).
Nha Trang là thành phố du lịch, có khí hậu tốt, biển xanh nắng vàng, gió trong lành… Được hưởng nhiều ưu đãi thiên nhiên, nhưng ngôi nhà nằm trong khu đô thị Bắc Vĩnh Hải, Nha Trang, lại gặp bất lợi ở vị trí.
Ngôi nhà gặp 4 khó khăn chính:
– Vị trí lô đất xây nhà nằm gần trục đường trung tâm (cách 30 m) với lượng xe lưu thông lớn, ô nhiễm bụi và tiếng ồn mức độ cao.
– Nằm giữa hai nhà xưởng, trước mặt bên kia đường là xưởng sản xuất của công ty thuốc thú y (cao 7 m), sau lưng là xưởng garage (cao 5 m).
– Nằm trong khu vực bến xe, tình trạng an ninh phức tạp.
– Lô đất nằm trong khu đô thị mới đã cố định phần móng và vị trí trụ, bị khống chế về chiều cao và độ dốc phần mái trước (theo độ dốc lợp ngói).
Gia chủ là một gia đình trẻ (vợ chồng và một bé trai 3 tuổi) mong muốn không gian sống hướng nội, nhưng ngập tràn ánh sáng thiên nhiên và tận dụng gió mát.
Từ đó, kiến trúc sư Nguyễn Công Toàn đã đưa ra giải pháp thiết kế với những tiêu chí xuyên suốt:
– Thiết kế tiết kiệm năng lượng, tôn trọng văn hóa sống và thói quen sinh hoạt của gia chủ.
– Không gian mở nhưng hướng nội, mượn ánh sáng, bóng đổ để trang trí, tận dụng tối đa gió mát nhưng kiểm soát bụi và tiếng ồn, đảm bảo an toàn chống trộm cho ngôi nhà.
– Tận dụng chất liệu đặc thù địa phương để giảm chi phí đầu tư và lưu giữ dấu ấn bản sắc vùng miền.
Chi phí xây dựng, thiết kế, làm nội thất (ốp lát, đèn, thiết bị nhà vệ sinh, không tính tivi, tủ lạnh) là 1,35 tỷ đồng. Bàn ghế, giường tủ chuyển từ nhà cũ sang.
Ngôi nhà có diện tích 100 m2, mặt tiền 5 m có nhiều yếu tố bất lợi về vị trí lô đất.
Mặt đứng có hai lớp linh động, lớp đầu tiên là hệ lam với mật độ dày thưa khác nhau, tùy vào không gian bên trong là phòng ngủ, phòng thờ hay phòng tắm. Lớp thứ hai là cửa kính lùi vào trong. Hệ lam nhôm dày và lam bê tông ở tầng 3 cũng là giàn để dây leo bám vào, theo thời gian sẽ là mặt tiền với cây xanh và hoa, có tác dụng giảm bức xạ nhiệt từ nhà xưởng đối diện, lọc bụi. Hệ lam bê tông thưa hơn ở tầng 2 nhằm lấy ánh sáng, thông gió cho phòng ngủ và phòng tắm bên trong.
Hệ lam còn giúp chống trộm an toàn, mở lớp cửa kính bên trong, có thể đón nhận gió trời. Cổng chính vào nhà cũng hai lớp, lớp ngoài là cổng sắt với những kẽ hở thông gió và giúp chủ nhà có thể quan sát được người đứng trước cổng nhà.
Hình ảnh ngôi nhà vào buổi tối.
Giải pháp lấy sáng và thông gió từ việc tổ chức các khối không gian như giếng trời, vườn, các phòng đều có hai mặt tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, kết hợp với hệ mái lam bê tông nghiêng, mảng tường gạch thông gió…
Ngôi nhà luôn ngập tràn trong ánh sáng tự nhiên, buổi trưa, ánh nắng chiếu xuống vườn.
Buổi chiều, ánh sáng tán xạ qua lớp tường gạch thông gió và lớp lam nghiêng.
Ánh sáng và bóng đổ trang trí cho ngôi nhà thêm lung linh. Đó là chất liệu động biến chuyển tùy
thời điểm tạo nên những góc không gian thú vị.
Bóng nắng được tính toán hợp lý để đổ chủ yếu lên tường của các không gian phụ ít
sử dụng như hành lang.
Tất cả phòng ngủ và các không gian khác đều có hai mặt đối diện tiếp xúc với ánh sáng thiên nhiên.
Phòng ăn ngay cạnh khu vườn nhỏ.
Góc uống trà của hai vợ chồng.
Khu vườn giữa nhà được trồng một cây dụ huyết rồng, đá trang trí là đá rẻo từ mỏ đá chẻ
đá sỏi, chất liệu đặc trưng của núi đá Khánh Hòa.
Các phòng vệ sinh đều thông thoáng.
Đường hành lang nối giữa các phòng.
Mặt bằng của ngôi nhà. Tầng 1 gồm garage, phòng khách, phòng bếp, phòng ăn, khu vực uống trà, vườn cây. Tầng 2 gồm hai phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung. Tầng 3 gồm phòng thờ, bàn trà, phòng ngủ. Cả ba tầng đều có nhà vệ sinh.
(Theo Vnexpress)